Đơn giản như xây tường, vì sao vẫn sập?

16/05/2020, 08:54 AM

Chiều 14/5, tại Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai (cách TP Biên Hòa khoảng 24 km), bức tường rào đang xây dựng của Công ty AV Healthcare (Hàn Quốc) bất ngờ đổ sập khiến 10 người chết, 12 người bị thương.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định đơn vị thi công đã có dấu hiệu vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. 3 người thuộc đơn vị thi công đã bị tạm giữ để phục vụ điều tra.

Don gian nhu xay tuong, vi sao van sap? hinh anh 1 98190133_3401082603235905_2123235276259065856_n.jpg

Bức tường tại Đồng Nai đổ sập làm chết 10 người. Ảnh: L.V.T.

Trao đổi với Zing, một kỹ sư xây dựng, chuyên viên tư vấn giám sát tại Hà Nội, cho biết tường bao vốn là hạng mục xây dựng đơn giản. Tuy nhiên, với những công trình kích thước lớn như bức tường vừa đổ sập tại Đồng Nai (cao 8 m, dài 109 m), việc thi công không thể thiếu các bước từ lập bản vẽ thiết kế, thẩm định bản vẽ, thi công và giám sát thi công.

Đề cấp đến những nguyên nhân phổ biến khiến công trình tường bao tại Đồng Nai đổ sập, chuyên gia xây dựng cho rằng lỗi sai đầu tiên có thể bắt nguồn từ bản vẽ thiết kế sai dẫn đến công trình không đảm bảo khả năng chịu lực (không thiết kế đủ số cột, dầm, giằng, khoảng cách giữa các cột chịu lực không hợp lý hoặc kích cỡ cột quá nhỏ...).

"Một bản vẽ thiết kế sai vẫn có thể được sửa lại bởi đơn vị thẩm định thiết kế hoặc tư vấn giám sát, nhưng chỉ cần những đơn vị này tắc trách trong khẩu xét duyệt thì bản vẽ sẽ được chuyển cho đơn vị thi công gây ra những nguy hiểm khi triển khai thực địa", kỹ sư chia sẻ.

Lỗi phổ biến tiếp theo nằm ở việc chọn sai biện pháp thi công. Đơn vị xây dựng sau khi nắm bản vẽ sẽ đề xuất biện pháp thi công (một bản vẽ có thể có nhiều biện pháp) và xin phê duyệt từ tư vấn giám sát. Biện pháp thi công sai cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Lỗi thứ 3 thường xảy ra do áp lực về tiến độ thi công. Một bức tường khi xây đến một chiều cao nhất định phải dừng chờ cho vữa và bê tông khô lại rồi mới xây tiếp. Nếu xây liên tục không nghỉ thì lớp vữa ở dưới sẽ chưa đủ cứng để chịu được tải trọng ở trên.

Lỗi phổ biến cuối cùng nằm ở việc lựa chọn nguyên vật liệu thi công. Thiết kế đúng, biện pháp thi công đúng mà phải thi công bằng nguyên vật liệu đểu, kém chất lượng hoặc bị "rút ruột" thì việc đổ sập là dễ hiểu.

Luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng LS Tinh Thông Luật), cho biết về nguyên tắc, mọi vấn đề về an toàn lao động tại công trường thi công xây dựng thì chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm đầu tiên trước pháp luật, cơ quan chính quyền.

"Nếu chủ đầu cư có cán bộ giám sát thì trách nhiệm của cán bộ đó là chuyện nội bộ chứ không phải cứ có cán bộ chuyên trách thì chủ đâu tư vô can", ông Bình phân tích.

Trong quá trình thẩm tra, kiểm định, nếu nhà thầu và chủ đầu tư có những hành vi vi phạm pháp luật, không làm đúng thì cần phải chịu trách nhiệm trước thiệt hại do việc ấy gây ra. Trường hợp tai nạn đổ tường tại Đồng Nai, luật sư cho rằng trách nhiệm trước tiên sẽ thuộc về chủ đầu tư là Công ty Công ty AV Healthcare.

"Nếu trường hợp công trường xây dựng hợp pháp, tất cả các quy trình thực hiện đều đúng theo quy định của pháp luật không xác định được vi phạm thì sẽ không bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm đặt ra ở đây là trách nhiệm bồi thường cho gia đình người bị thiệt hại", ông Bình cho biết.

Nguồn: Ngọc Tân- Zingnew.vn